3 BÀI HỌC VỀ CHĂM SÓC BẢN THÂN TỪ BỘ PHIM YÊU NỮ THÍCH HÀNG HIỆU

 

Nếu hứng thú với điện ảnh và thời trang, chắc hẳn bạn đã từng nghe đến Yêu nữ thích hàng hiệu (The Devil Wears Prada). Một dự án nghệ thuật tinh tế thông qua những thước phim hào nhoáng, đem đến cho người xem một bức tranh hậu trường của thế giới thời trang và biên tập tạp chí, quần áo cùng trang sức từ những thương hiệu sang trọng nhất thế giới. 

poster film the devil wears pradaPoster của phim với hình ảnh mang tính biểu tượng

Câu chuyện xoay quanh Andrea “Andy” Sachs – vừa tốt nghiệp ngành báo chí và đầy hy vọng tìm được một chân trong giới truyền thông. Dù không có kiến thức thời trang, Andy may mắn trúng tuyển vị trí trợ lý cá nhân cho Amanda Priestly – Tổng biên tập tạp chí Runway danh giá nơi nhiều người mơ ước. Thông qua hành trình đầy thử thách của Andy trong cách ứng phó với đồng nghiệp xấu tính cùng với những yêu cầu quá quắt từ người sếp Amanda, ta có thể thấy được 3 bài học khá thú vị cho chính bản thân mình.

#1. Để tiến xa trong công việc, thời trang phong cách cá nhân là một yếu tố không kém phần quan trọng.

Khi mới bắt đầu, Andy nhìn đồng nghiệp và công việc chỉnh sửa từng chi tiết tuyển chọn quần áo trang sức là nực cười và vô nghĩa. Điều này phản ánh qua sự ăn mặc không đầu tư, cách trả lời điện thoại vụng về, cô không bắt kịp tiến độ công việc và cô than vãn khổ sở với những yêu cầu dồn dập xung quanh. Cho đến một ngày khi bị Amanda chỉ trích công khai, Andy nhận ra cô cần phải thay đổi thái độ và phong cách chỉn chu hơn, người xem có thể thấy sự nghiệp của Andy thay đổi từ đó.


Andrea “Andy” Sachs do  Anne Hathaway thủ vai

Phần lớn chúng ta không làm trong lĩnh vực thời trang, nhưng ta không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của ngoại hình đến sự tự tin và cách giao tiếp với mọi người. Cho đi và nhận lại, để nắm bắt các cơ hội nâng cao kiến thức và phát triển sự nghiệp, ta cần chuẩn bị bản thân ở mức độ tốt nhất có thể. Điều này bao gồm thái độ, thể chất, tinh thần, và cả phong cách ngoại hình. Bắt đầu từ những thứ có sẵn –  bạn hãy chọn ra những bộ quần áo “tủ” đem lại cảm giác tự tin khi mặc và chụp hình lại, tạo một lookbook để giải cứu những lúc không biết mặc gì.
Hãy cố gắng thay đổi trang phục ngay cả khi làm việc tại nhà để tạo cảm giác nghiêm túc và làm việc hiệu quả hơn. 

#2. Không phải lúc nào bạn bè và người thân cũng sẽ hiểu và ủng hộ các bước đi của bạn.

Nhiều ý kiến cho rằng mặc dù Amanda là một người sếp phi lý và lạnh lùng, dù các đồng nghiệp như Emily nghiện việc và ganh đua, “bad guy” của bộ phim chính là Nate bạn trai của Andy. Nate cùng vài người bạn chế giễu sự thay đổi của Andy và công việc mới, Nate bình phẩm về cách ăn mặc của cô, qua suốt hành trình Andy cố gắng làm quen công việc ở Runway ta cũng chứng kiến cách Nate liên tục làm cô cảm thấy tội lỗi và không có sự cảm thông nào.


Amanda Priestly được thủ vai bởi nữ minh tinh Maryl Streep

Trong thực tế, sẽ có lúc chúng ta nhận thấy bản thân cần thay đổi. Mức độ nhỏ như kiểu tóc, hơn một chút là thêm kĩ năng mới ngoài vùng an toàn như biểu diễn, vẽ, hay lớn hơn như chuyển nghề, thay đổi nơi ở. Đừng nản lòng khi gặp phải những câu hỏi mang tính đánh đố, những lời bình luận có thể làm bạn ngần ngại từ người thân. Đơn giản vì cũng như họ, bạn không chắc sự thay đổi này sẽ đem lại kết quả mong đợi, nhưng bạn cho phép bản thân được chuyển hóa và thử nghiệm để nâng cao chất lượng cuộc sống và tinh thần của mình. 

#3. Ai cũng sẽ dễ dàng bị thay thế, đừng đánh đổi sức khỏe cho công việc

Tất nhiên tạp chí Runway sẽ không bỏ lỡ Tuần lễ thời trang Paris. Emily với nhiều năm kinh nghiệm nắm chắc chiếc vé đắt giá này, một nhân vật có tính cách độc đáo nhưng khá thân quen nơi công sở: buôn chuyện, ganh đua, và trên hết là nghiện việc. Tuy cốt truyện chủ yếu xoay quanh Andy, người xem vẫn cảm nhận được Emily là con người của công việc – cô luôn sẵn sàng ở lại làm trễ, theo chế độ nhịn ăn khắc nghiệt (chỉ ăn một miếng phô mai nhỏ khi cảm thấy gần ngất đi) để chuẩn bị cho Paris. Khi Andy làm việc tốt hơn và Emily không thể nhớ tên một vị khách mời quan trọng, Amanda quyết định chọn Andy. 

Làm thêm giờ và tâm lý nhân viên không nên về sớm hơn sếp vẫn khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên chúng ta không thể phủ nhận rằng công việc chỉ là một phần của cuộc sống, cho dù bạn tận tâm và cống hiến nhiều thế nào đi nữa, với mục đích đạt chỉ tiêu nhân sự và năng suất, công ty sẽ dễ dàng hoặc bắt buộc phải thay thế bạn khi cần thiết. Vì vậy hãy luôn quan tâm chăm sóc sức khỏe của bản thân, dừng làm việc khi nhận thấy cơ thể lên tiếng phản đối, và ưu tiên có một cuộc sống hài hòa. 

15 năm sau khi công chiếu, The Devil Wears Prada vẫn được nhắc đến và nghiên cứu như một sự pha trộn hoàn hảo giữa thời trang và điện ảnh. Không chỉ dừng lại ở đó, bộ phim cũng truyền tải những bài học đắt giá về phát triển bản thân và môi trường công sở mà chúng ta có thể nhìn lại và áp dụng cho riêng mình.

Bài viết độc quyền của GUU T.O.Y | Tác giả: Mink