Sau hơn 2 tuần diễn ra, MET Gala 2021 vẫn là tâm điểm bàn luận sôi nổi trong giới thời trang và các fan hâm mộ khắp thế giới. Với topic “In America: A Lexicon of Fashion” hay Tôn vinh Tinh hoa Thời trang Mỹ, các thương hiệu thời trang thượng lưu chi ít nhất 275 ngàn đô la cho một bàn tiệc với danh sách khách mời hạng A từ nghệ sĩ, người mẫu, đến nhân vật tiêu điểm trong năm.
Từ 1948, Met Gala được thành lập nhằm mục đích gây quỹ cho Viện Trang phục thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan, New York. Hãy cùng GUU T.O.Y dạo quanh đêm hội phù hoa này và điểm tên một số trang phục tiêu biểu mà GUU T.O.Y cảm nhận theo từng nhóm thời trang nhé.
Hoài niệm về Hollywood hoàng kim và lộng lẫy
Billie Eilish với tư cách co-host xuất hiện trong bộ đầm màu nude bồng bềnh của Oscar de la Renta – búp bê ‘Holiday Barbie’ đời thực đi kèm cách tạo dáng, trang điểm và kiểu tóc đậm chất minh tinh Marilyn Monroe những năm 60s. Siêu mẫu Karlie Kloss xuất hiện như một bông hồng đỏ thắm làm từ 22 mét lụa thiết kế bởi Carolina Herrera, sự trở lại đầy thuyết phục so với trang phục gây thất vọng năm trước.
Lấy cảm hứng từ giai đoạn nhạc Jazz thập niên 20s, lông vũ đã được nhiều nhà thiết kế ưu ái nhằm thể hiện dự kịch tính và uyển chuyển cho người mặc. Một trang phục nổi bật thuộc về cựu người mẫu và vợ nghệ sĩ David Bowie, Iman, xuất hiện trên thảm đỏ như một bà hoàng mặt trời trong thiết kế của Dolce & Gabbana, người xem Việt chắc hẳn không khỏi liên tưởng đến hình tượng trống đồng và .. lồng bàn với bộ trang phục này.
Trong khi đó, Anok Yai kết hợp lông vũ cùng bộ đầm ôm sát đính pha lê với họa tiết sao, trăng và hoa như một tấm “áo choàng thiên thể pha lê” theo lời Oscar de la Renta, tôn lên làn da tuyệt đẹp của cô cũng hớp hồn nhiều ống kính. Và đừng quên cô siêu mẫu Kendall cũng đã khiến bao ánh mắt đổ dồn về mình với chiếc đầm xuyên thấu, điểm xuyến pha lê lấp lánh thể hiện một minh tinh màn bạc đầy lộng lẫy và gợi cảm từ nhà mốt Givenchy.
Những điều làm nên nước Mỹ đương đại
Ở một khía cạnh phá cách hơn, nhiều nhà thiết kế và khách mời đã chọn các yếu tố thiên về lịch sử và văn hóa Mỹ đế thể hiện chất hồn thời trang nơi đây.
Hamish Bowles, BTV tạp chí Vouge, hóa thân Nữ thần Tự do cùng váy xếp li và áo vest oversize đem lại cái nhìn dí dỏm cho bộ tuxedo quen thuộc mà các quý ông tham dự MET thường chọn khi ngại đầu tư. Đại diện vùng Viễn Tây, Jennifer Lopez tạo dáng trên thềm viện Bảo tàng với cái nhìn Cao Bồi rực lửa từ Ralph Lauren: váy chẻ sâu xẻ cao nâu trầm, chuẩn tông với nón vành, thắt lưng, trang sức làm từ đồng và giả da. Ciara cũng không hề kém cạnh khi xuất hiện với đầm ánh xanh độn vai lấy cảm hứng từ chồng Russell Wilson – tiền vệ SeaHawks đội bóng bầu dục top nước Mỹ, và không phụ kiện nào hợp hơn là chiếc nhẫn SuperBowl danh giá mùa 48 của Wilson.
Không gì nói lên Made in USA hơn Denim, thiết kế quần jeans được phát minh từ những năm 1800s ở Mỹ và sớm trở thành icon cho thời trang lao động và thống lĩnh mọi nơi sau Chiến tranh Thế Giới thứ 2. Làm thế nào để biến chất denim vốn khá bình dân trở nên sang trọng và phù hợp với thảm đỏ? Nữ minh tinh Lupita Nyong’o với bộ đầm 100% denim của Versace cùng kiểu tóc xoăn tự nhiên đại diện văn hóa Mỹ gốc Phi cùng với cô ca sĩ CL đến từ xứ củ sâm Hàn Quốc cũng đã đem đến một cái nhìn hoàn hảo cho chất liệu đầy biểu tượng này.
Thay lời muốn nói
Thời trang là công cụ đắc lực giúp bày tỏ chính kiến, hướng người nhìn đến những vấn đề chính trị và xã hội nóng bỏng vốn là một điểm nổi bật của văn hóa Mỹ, nơi cư trú của nhiều nền văn hóa và sắc tộc.
“Đánh thuế nhà giàu” – ngắn gọn và đập vào mắt người nhìn chính là thông điệp đỏ rực Alexandria Ocasio-Cortez (AOC) – đại diện Quốc Hội cho NYC quận 14 – mang trên chiếc đầm hở lưng trắng của hãng thiết kế bền vững tôn vinh phụ nữ nhập cư Brother Vellies. AOC hướng sự quan tâm của dư luận và các thành phần tham dự hạng sang tại MET vào sự bất bình đẳng trong hệ thống thuế tại Mỹ, hướng nguồn tài chính công này đến các vấn đề cấp bách – thay đổi kí hậu, hệ thống y tế và an sinh.
Đại diện binh đoàn chiếm đóng sao Hỏa, Grimes, thách thức giới hạn dùng vũ khí như trang sức khi xuất hiện với cây kiếm thời Trung Cổ trong tay, chiếc đầm kết hợp silicon in công nghệ 3D và lụa của Iris van Herpen tạo nên cái nhìn viễn tưởng cho ca sĩ người Canada. Xếp lại những lời đùa, cây kiếm này mang một ẩn ý, bắt nguồn từ nghi thức nung chảy ngòi súng chuyển hóa thành kiếm trang trí, như sự phản đối đến các điều luật sử dụng súng lỏng lẻo tại Mỹ.
Dan Levy vận suit nước biển bởi Jonathan Anderson, với hình ảnh hai người đàn ông cổ vũ cho một xã hội khoan dung và tử tế hơn. Xuất sắc với thiết kế độc đáo nhưng tinh tế, diễn viên broadway Jeremy Pope xuất hiện trong bộ trang phục trắng toát làm từ vải bao bố, gợi nhớ đến công cụ nô lệ châu Phi khi xưa dùng để khiên vác bông gòn và trở thành thành phần chủ chốt xây dựng nước Mỹ. Người mẫu và nhà hoạt động nhân quyền Quannah Chasinghorse là người Bản địa duy nhất tại đêm tiệc, mang trên mình trang sức và điểm trang Navajo truyền thống, nước Mỹ ngày nay sẽ không tồn tại nếu vắng đi vùng đất từng thuộc về người Bản địa ‘da đỏ’.
Ấn tượng khó phai
Tính ứng dụng cao và trường tồn cùng thời gian không phải là tiêu chí cho MET Gala! Sốc, chưa từng thấy, và tạo tiếng vang mới chính là yếu tố nhà thiết kế hướng tới để người đại diện lọt vào danh sách best-dressed và đáng nhớ của đêm.
Lil Nas X với bộ trang phục Versace 3-trong-1 thực sự đã cống hiến cho người xem một màn trình diễn ấn tượng. Không biết có hẹn trước với cao bồi JLo hay không, Kim Petras trong trang phục đầu ngựa rất hợp theme “Camp” Gala năm trước. Và hẳn bạn đã thấy bóng dáng “người tình không chân dung” Kim Kardashian phủ sóng khắp nơi, liệu qua hình tượng này cô muốn quảng bá album Donda của Kanye West? Phác họa nước Mỹ đen tối? Hay đại diện cho cộng đồng cai ngục Azkaban?
Biểu tượng thời trang, bà hoàng của MET qua nhiều mùa – Rihanna đem đến một diện mạo có phần gây tranh cãi trong nội bộ những người hâm mộ khi họ mong đợi một sự xuất hiện hoành tráng và lộng lẫy từ nữ doanh nhân. Rihanna xuất hiện trễ nhất (và chúng ta không phàn nàn về điều đó) và tất cả camera đều tập trung về thiết kế oversize từ nhà mốt Balenciaga được diện trên người của Rihanna. “Tôi đại diện cho những người nhập cư và đó chính là cách mà tôi thể hiện hình ảnh của nước Mỹ” – tuy không có sự hoành tráng, diễm lệ như chiếc áo choàng vàng đi vào lịch sử của MET, Rihanna đã và luôn thể hiện mình là người luộn đi đúng theme của MET khi kết hợp hai văn hóa thời trang Mỹ tưởng chừng như không ăn nhập với nhau: sự thùng thình, phóng khoáng trong giới nhập cư/ vô gia cư với vẻ đẹp kiều diễm, hoa lệ của Hollywood xưa với mạng trùm đầu và layout trang điểm.
Tôn vinh Tinh hoa Thời trang Mỹ – Chủ đề bao hàm này đã tạo nên cơ hội cho các vị khách tham gia và các nhà thiết kế tranh tài thể hiện thương hiệu riêng tùy theo góc nhìn cá nhân, chính vì vậy Met Gala 2021 nhìn tổng quan khá tùy hứng so với các năm trước. Bạn cảm thấy trang phục nào đúng đề bài và high fashion nhất? GUU T.O.Y có bỏ qua trang phục nào đáng nhắc đến? Cùng chia sẻ ở phần comment nhé.
Bài viết độc quyền của GUU T.O.Y | Tác giả: Mink & -M-